Header Ads

15 câu hỏi thường gặp về việc tiêm phòng cho trẻ

Dưới đây là 15 câu hỏi thường gặp của các bậc phụ huynh liên quan đến việc tiêm phòng cho trẻ và các lời giải đáp tương ứng:

1. Liệu có thể trì hoãn tiêm vắc xin? Và trì hoãn được bao lâu?
Cho con tham gia tiêm vắc xin đúng theo thời hạn của lịch tiêm chủng quốc gia luôn là lời khuyên tối ưu dành cho các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, đúng là tiêm vắc xin có thể trì hoãn. Trên thực tế, số lượng trẻ sơ sinh được tiêm đúng ngày là không nhiều. Nếu trẻ chưa được tiêm, mẹ có thể cho bé tiêm lùi lại sau. Tuy nhiên nên nhớ đừng trì hoãn quá lâu và cần hỏi ý kiến bác sỹ trước khi tiêm.

2. Tiêm vắc xin cho con xong khi về nhà trẻ sẽ có những phản ứng gì và làm thế nào để phòng tránh?
Khi đưa trẻ đi tiêm về, mẹ nên lưu ý cho bé uống bổ sung nhiều nước hơn bình thường, ngoài ra cần chú ý đo thân nhiệt trẻ. Những phản ứng bất lợi thường thấy là sốt, khóc quấy hay sưng vết tiêm.

3. Khi nào con không nên đi tiêm?
Khi trẻ đang bệnh kéo dài nhiều ngày, đang sốt, chàm, phát ban, vàng da,...

4. Nên tiêm vắc xin vào buổi sáng hay chiều?
Mẹ nên cho con tiêm chủng vào buổi sáng là tốt nhất bởi nếu tiêm vào buổi chiều, mẹ sẽ phải rất vất vả nếu trẻ xảy ra các phản ứng xấu như khóc quấy, sốt vào ban đêm. Ban ngày việc giải quyết các rắc rối sau tiêm sẽ đơn giản hơn nhiều.

5. Nếu lần đầu tiêm vắc xin trẻ bị sốt thì mũi sau có sốt không, có nên đưa con đi tiêm tiếp không?
Ai cũng rất lo lắng, xót xa khi con bị sốt, mệt mỏi sau tiêm. Tuy nhiên các mẹ không nên vì thế mà bỏ tiêm cho con. Việc trẻ bị sốt tùy thuộc vào nhiều yếu tố, do đó rất có thể mũi 1 con bị sốt nhưng mũi 2 sẽ không sốt nữa. Và vẫn cần đưa con đi tiêm.

6. Xử lý thế nào khi con bị sốt sau tiêm?
Sau khi tiêm phòng 1 vài giờ hoặc 1 ngày, một số trẻ có thể bị sốt: sốt nhẹ nhưng cũng đôi khi sốt cao (trên 39 độ C), kèm theo tình trạng quấy khóc. Các mẹ nên cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát, mặc quần áo rộng, thoái mái, chườm mát cho trẻ bằng khăn ấm nhưng không chườm đá hay nước lạnh. Cho con uống thuốc hạ sốt nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên. Bình thường, trẻ sốt dưới 38,5 độ không cần uống thuốc hạ sốt, chỉ cần cho mặc đồ thoáng mát là được.
Ở trẻ em, liều paracetamol là 10mg đến tối đa là 15mg/kg trọng lượng cơ thể và có thể lặp lại liều như trên sau 4-6 giờ. Thuốc uống hay thuốc đặt hậu môn có tác dụng như nhau và liều lượng dùng như nhau. Ví dụ: bé 10kg chỉ uống hay đặt hậu môn liều lượng 100mg, tối đa là 150mg (sốt cao 40 độ C).

7. Vì sao phải ăn trứng gà trước khi tiêm phòng cúm?
Vì trong vắc xin cúm có thành phần từ trứng gà nên những trẻ bị dị ứng với trứng thì có cũng nguy cơ bị dị ứng khi tiêm cúm. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em Việt Nam bị dị ứng với trứng vô cùng hiếm.

8. Khi cho con đi tiêm, mẹ cần mang theo những gì?
Cho trẻ đi tiêm mẹ cần lưu ý mang đầy đủ những giấy tờ liên quan đến việc tiêm chủng trước đó của trẻ, sổ tiêm chủng, sổ khám bệnh, sổ dinh dưỡng. Ngoài ra để trấn an con, mẹ nên chuẩn bị thêm bình sữa hoặc gấu bông. Nên cho bé mặc quần áo dễ cởi. Với bé tuổi chập chững, mẹ có thể cho bé mặc áo thun lớn và quần rộng.

9. Trong quá trình tiêm, nên quan sát những gì?
Người mẹ nên chú ý quan sát kỹ:- Vắc xin của con có được lấy nguyên hộp từ tủ lạnh không?- Hạn sử dụng của vắc xin, tên và nước sản xuất vắc xin.- Ống nước pha và quy trình pha thuốc của y tá thực hiện tiêm có đúng không.

10. Nên hỏi bác sỹ những gì trước khi rời phòng tiêm?
- Bé có thể bị các tác dụng phụ nào?
- Nên làm gì nếu bé xuất hiện các tác dụng phụ đó?
- Dấu hiệu nào đáng lo?
- Khi nào con tiêm phòng tiếp theo?

11. Sau khi tiêm mũi lao lúc 1 tháng tuổi, tại sao trẻ hay bị sưng đỏ vết tiêm?
Hiện Việt Nam dùng văc xin phòng lao BCG sống đông khô. Trẻ sơ sinh được tiêm một mũi văcxin BCG càng sớm càng tốt. Sau khi tiêm BCG, trẻ sẽ có phản ứng, tại nơi tiêm có thể loét to kéo dài hoặc thành một áp-xe. Tuy nhiên đây là biểu hiện hoàn toàn bình thường. Thông thường nốt sần xuất hiện ngay sau khi tiêm và tự mất đi trong vòng 30 phút. Khoảng 2 tuần sau, tại chỗ tiêm xuất hiện một vết loét bằng đầu bút chì rồi tự lành để lại sẹo đường kính khoảng 5mm, điều đó chứng tỏ việc tiêm vắc-xin cho trẻ đã có hiệu quả.

12. Tiêm nhiều loại vắc xin cùng một lúc có làm tăng nguy cơ khiến trẻ bị ốm, sốt hay quá tải hệ miễn dịch?
Khoa học đã chứng minh rằng tiêm cho trẻ nhiều loại vắc xin cùng lúc không gây tác dụng phụ lên hệ thống miễn dịch của trẻ. Trẻ tiếp xúc với hàng trăm chất ở bên ngoài kích thích đáp ứng miễn dịch hàng ngày, như ăn thức ăn cũng sản sinh ra kháng nguyên trong cơ thể và vi khuẩn sinh sống ở miệng và mũi. Trẻ tiếp xúc với kháng nguyên từ cảm cúm thông thường hoặc viêm họng nhiều hơn là từ vắc xin. Khi cho trẻ tiêm nhiều loại vắc xin cùng một lúc, mẹ sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, trẻ cũng sẽ sớm hoàn thành lịch tiêm chủng và quan trọng là hạn chế số lần tiêm, vốn là điều trẻ rất sợ.

13. Khi nào nên đưa con đến bệnh viện?
Mẹ nên đưa con đi khám khi thấy những biểu hiện:
- Sốt cao trên 38.5 độ trở lên, có uống thuốc hạ sốt mà vẫn không giảm.
- Nổi ban.
- Co giật hoặc co giật giống như động kinh.
- Khó thở.
- Yếu mệt.
- Tim đập nhanh.
- Tím tái.
- Mất ý thức.

14. Tại sao con tôi lại được tiêm ở bắp đùi thay vì ở cánh tay?
Thực tế, mũi tiêm có thể thực hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, miễn là nó không chạm vào động mạch và các dây thần kinh. Ngoài việc tránh các mạch máu và dây thần kinh ra, vị trí tiêm thường được xác định tại những nơi chứa nhiều mô để tránh chạm tới xương. Từ những yêu cầu trên, vị trí thích hợp nhất để tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi được xác định là tại bắp đùi – nơi có rất nhiều mô và không có dây thần kinh chính nào đi qua. Đối với trẻ trên 1 tuổi, tiêm ở bắp tay lại là giải pháp thích hợp hơn cả bởi khi trẻ đã biết đi, vết tiêm ở bắp đùi sẽ gây đau nhức và khó chịu cho trẻ.
Một số loại vắc xin yêu cầu được tiêm chính xác vào cơ trong khi đa số lại chỉ cần tiêm dưới da. Lý do là bởi những vắc xin đó được khuyến cáo sẽ phát huy tác dụng tốt nhất ở một lớp mô nhất định. Mẹ không nên quá lo lắng việc con quấy khóc hay giãy giụa khi tiêm sẽ làm mũi tiêm không chính xác. Việc tiêm sai lớp mô sẽ không gây nguy hiểm cho bé nhưng tác dụng của vắc xin sẽ bị giảm đi phần nào.

15. Có nên dùng các mẹo dân gian để giảm sưng đau cho trẻ?
Sau khi tiêm chủng, trẻ cần phải ở lại 30 phút tại điểm tiêm để các cán bộ y tế theo dõi. Các phản ứng như sốt nhẹ (dưới 38,5 độ), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại vết tiêm, quấy khóc là những phản ứng hết sức bình thường. Mẹ không nên dùng thuốc mẹo cho bé uống hay đắp lòng trắng trứng gà, khoai tây hoặc miếng dán hạ sốt trực tiếp lên vết tiêm bởi như vậy sẽ làm giảm tác dụng của vắc xin.
Nguồn liva
Được tạo bởi Blogger.