Những biện pháp chủ động phòng bệnh thủy đậu và một số lưu ý khi tiêm phòng
Thủy đậu là một trong số các bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa Đông Xuân, Bệnh do Varicellavirus gây nên và rất dễ lây lan trong môi trường tập thể như trường học, bệnh viện, ký túc xá, nhà xưởng, … tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch thủy đậu.
Để chủ động phòng bệnh Thủy đậu Bs. Nguyễn Văn Dũng (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) đã chia sẻ những thông tin cơ bản về bệnh thủy đậu và một số biện pháp phòng bệnh chủ động

Bệnh thủy đậu và cách phòng chống
Bệnh thủy đậu (hay còn gọi là bỏng/phỏng dạ, cảnh/canh châu, trái dạ) do virus thủy đậu (Varicellavirus) gây nên.
Đây là bệnh nhiễm virus cấp cấp tính với đặc điểm: sốt nhẹ, phát ban. Ban mọc nhiều đợt trên cùng một vùng da nên có thể thấy chúng ở nhiều lứa tuổi khác nhau từ nốt sần, bọng nước trong, bọng nước đục cho đến nốt vảy.
- Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự như: đậu mùa, chốc lở bọng nước, bọng nước do virus Herpes simplex, bọng nước do Coxsackie nhóm A.
- Đặc điểm:
- Hầu như mọi người đều bị nhiễm virus thủy đậu. Bệnh thường gặp vào mùa đông và đầu xuân.
- Bệnh truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, lây qua không khí từ các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp hoặc chất dịch của nốt phỏng. Lây gián tiếp qua đồ vật vừa mới bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng hoặc niêm mạc. Đến đây chúng ta có thể thấy rằng thủy đậu là một trong những bệnh dễ lây nhất.
Các biện pháp phòng, chống dịch
Biện pháp dự phòng:
+ Tiêm chủng cho những người đến tuổi tiêm chủng nhưng chưa được tiêm chủng
+ Với những người đang mắc bệnh, đang mang thai, chưa đến tuổi tiêm chủng: tiến hành tiêm chủng cho những người trong gia đình, những người tiếp xúc gần.
Biện pháp chống dịch:
+ Cách ly: Cách ly trẻ em mắc thủy đậu ở nhà trong 7 ngày. Những trẻ có tiếp xúc với người bị thủy đậu cần cách ly 11-21 ngày kể từ ngày tiếp xúc. Người lớn mắc bệnh thủy đậu hạn chế tiếp xúc với người khác.
+ Sát khuẩn đồ vật bị nhiễm dịch tiết.
Vắc xin phòng bệnh thủy đậu (Varivax)
- Là vắc xin sống giảm độc lực (tức là vắc xin được làm từ virus còn sống nhưng đã được làm yếu đi).
- Varivax được chỉ định để tiêm phòng bệnh thủy đậu cho đối tượng từ 12 tháng tuổi trở lên và dự phòng cho những người nhạy cảm bị phơi nhiễm bệnh thủy đậu trong vòng 3 ngày, và có thể đến 5 ngày sau khi tiếp xúc.
- Liều dùng: 0,5ml, tiêm dưới da
+ Trẻ em từ 12 tháng đến 12 tuổi nên được sử dụng một liều đơn
+ Thanh thiếu niên từ 13 tuổi trở lên và người lớn nên được dùng một liều vào ngày đã chọn và một liều thứ hai vào 4 đến 8 tuần sau đó.
Một số lưu ý khi tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu (Varivax):
- Sau khi tiêm, tại chỗ tiêm thường có nốt đỏ, 1 số trường hợp chỗ tiêm sẽ phồng lên. Phụ huynh nên lưu ý không chườm, đắp lên vết thương (vẫn có thể tắm, giặt bình thường).
- Do Varivax là vắc xin sống giảm độc lực nên một trong các phản ứng có thể gặp sau tiêm là nhiễm thủy đậu (thường là nhẹ, tỉ lệ mắc khoảng 3.8%) nên:
+ Không tiêm vắc xin khi có người ở trong cùng 1 gia đình đang có bầu.
+ Chỉ nên có thai sau khi tiêm vắc xin ít nhất 3 tháng.
- Về việc tiêm vắc xin thủy đậu cho phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú
+ Phụ nữ có thai: Không tiêm vắc xin thủy đậu cho phụ nữ có thai
+ Phụ nữ cho con bú: Chưa rõ virus thủy đậu có bài tiết qua sữa mẹ hay không (có bằng chứng về 1 số virus khác có thể bài tiết qua sữa mẹ) nên cần cẩn trọng khi tiêm.
- Nếu không dùng đồng thời VARIVAX (phòng bệnh thủy đậu) với MMR II (phòng 3 bệnh Sởi – Quai bị - Rubella), nên chú ý tiêm 2 loại vắc-xin vi-rút sống này cách nhau 1 tháng.
Trên đây là 1 số chia sẻ của mình về bệnh Thủy đậu và những thắc mắc hay gặp nhất khi tiêm vắc xin Varivax. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của mọi người.
Trân trọng cảm ơn!
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
Post a Comment